1. Đặc điểm và công dụng của cây thiết mộc lan
Cây thiết mộc lan hay còn gọi là cây phát tài, cây phất dụ thơm với tên khoa học là Dracaena fragrans, thuộc họ Dracaenaceae có nguồn gốc từ Tây Phi. Cây thuộc loại cây gỗ thân cột, có đặc tính rất đặc biệt: khi bị cắt hoặc cưa thì sẽ đâm chồi, nhánh quanh vị trí bị cắt.
Lá của cây thiết mộc lan mọc thành hình nơ, bóng và có màu sẫm, phiến lá có sọc rộng và nhạt màu hơn đồng thời ngả vàng ở phần trung tâm. Lá cây có thể dài đến 1m và rộng 10 cm. Nếu trồng cây thiết mộc lan trong đất thì cây có thể cao lên đến 6m.
Hoa của cây thiết mộc lan thường mọc thành chùm màu trắng và có mùi rất thơm, nhất là vào ban đêm. Ngoài ra, thiết mộc lan còn là một trong số hiếm những loài cây có thể nở hoa vào lúc thời tiết lạnh, thường là vào lúc tiết trời chuyển từ đông sang xuân nên ta thường thấy hoa mọc trong dịp Tết. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm của cây và điều kiện chăm sóc mà có thể vài năm liên tiếp cây không ra hoa.
Không chỉ giúp nhà bạn hương sắc ngào ngạt, mà cây thiết thiết mộc lan còn có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Cây có thể lọc bỏ các độc tố gây ô nhiễm không khí, hấp thụ carbone monooxide rất hiệu quả. Ngoài ra cây còn hút được cả benzene, toluene, formallhelyde, mang đến nguồn không khí trong lành và duy trì sức khỏe cho các thành viên trong nhà.
2. Ý nghĩa phong thủy của cây thiết mộc lan
Nếu đặt cây theo hướng Đông hoặc Đông Nam của ngôi nhà, cây sẽ đại diện cho hành Mộc, có ý nghĩa đem đến may mắn cho gia chủ.
Khi mua cây thiết mộc lan, người ta thường tính theo số cành hoặc chậu. Ví dụ: 2 cành thì tượng trưng cho sự vẹn tròn, may mắn trong tình yêu, 3 cành tượng trưng cho hạnh phúc, 5 cành đại diện cho sức khỏe, 8 cành cho phát tài phát lộc còn 9 cành thì lại là hạnh phúc viên mãn, tài lộc dồi dào, thời vận tốt đẹp đối với gia chủ… Chính vì thế khi mua thiết mộc lan về trồng, bạn có thể dựa theo những ý nghĩa này mà chọn số lượng tùy vào mong muốn, ước nguyện của bản thân.
3. Cách trồng và chăm sóc cây thiết mộc lan
Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều chậu cây thiết mộc lan đã trồng sẵn, bạn có thể tìm đến các cơ sở bán cây cảnh để mua, nhưng nếu muốn có một cây thiết mộc lan do chính mình toàn tâm toàn ý trồng và chăm sóc, bạn có thể tham khảo 3 cách sau:
Trồng trực tiếp trong nước:
Nếu trồng trực tiếp thiết mộc lan trong nước thì bạn có thể để trang trí nội thất, làm cây để bàn nhờ độ nhỏ gọn của nó, tuy nhiên thời gian sống của cây chỉ duy trì trong vòng 2-3 tháng do cây phải sống bằng chất dinh dưỡng tự thân của nó.
Trồng bằng thân:
Với cách trồng này, bạn hãy chặt một đoạn thân cây để nhân giống, tuy nhiên tuổi thọ của cây cũng không cao, thường thiết mộc lan khúc chỉ chơi được trong vòng từ 4-5 tháng. Nhưng nếu bạn đem chậu để ra ngoài trời thoáng đãng thì nó sẽ phát triển bình thường và lớn thành một cây mộc lan khỏe mạnh.
Trồng bằng gốc:
Ngoài hai cách trồng vừa nói ở trên, bạn cũng có thể trồng thiết mộc lan bằng gốc. Sau khi cắt bớt phần ngọn và thân, bạn có thể trồng gốc cây để thiết mộc lan khỏe và sống lâu hơn, nhưng nếu thường xuyên để cây trong bóng mát, gốc cũng sẽ dần mất sức sống và lụi đi. Ngược lại, nếu bạn đưa cây ra ngoài trời nắng thì gốc sẽ phát triển thành cây và thời gian chơi được lâu dài hơn.
Cách chăm sóc cây thiết mộc lan:
Trồng cây đã là việc khó làm, nhưng để chăm sóc cho nó phát triển tốt và khỏe mạnh, bạn nhất định phải nhớ những điều sau:
Tưới nước: Thiết mộc lan là loại cây cần lượng nước rất cao, chính vì thế khi chăm sóc bạn cần thường xuyên cung cấp nước cho nó để duy trì sự sống. Thời điểm tốt nhất để bạn tưới nước cho cây là vào sáng sớm và chiều mát, nhưng không phải ngày nào bạn cũng cần tưới mà hãy quan sát thân lá để biết lượng nước cây cần. Ngoài ra, bạn cũng cần thường xuyên xới cho đất tơi xốp để nước dễ dàng ngấm sâu xuống rễ giúp cây hút nước dễ dàng hơn. Thường thì nên tưới tuần 1-2 lần với cây thiết mộc lan trồng trong nhà.
Cung cấp chất dinh dưỡng: Dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng không thể thiếu với thiết mộc lan. Sau 2-3 tháng, bạn có thể dùng NPK để bón cho cây. Trong quá trình bón, chú ý không bón sát gốc cây, dễ khiến cây chết, lượng phân bón cũng chỉ cần một nắm nhỏ đối với thiết mộc lan ghép hoặc 2 năm với cây gốc.
Chú ý sâu bệnh: Thực tế thì thiết mộc lan là loài không có sâu bệnh, nhưng đôi lúc cây sẽ bị sâu quấn chiếu tấn công làm khô vằn lá, bạn hoàn toàn có thể bắt sâu thủ công bằng tay là có thể phòng chống sâu bệnh cho thiết mộc lan.
Hi vọng những thông tin hữu ích về đặc điểm, cách trồng, chăm sóc cây thiết mộc lan sẽ giúp ích cho những ai đang có ý định sắm cho nhà mình một cây thiết mộc lan. Chúc các bạn thành công và có những chậu cây tươi tốt, đem đến nhiều may mắn cho gia đình.
‘/’ádfas